CHƯƠNG
TRÌNH PTMN
CHỦ ĐỀ: “CHIẾN SĨ NHỎ ĐIỆN BIÊN”
Lần 1
tháng 12 năm 2024
Xin chào tất cả các bạn! Đây là chương trình phát thanh Măng
non của Liên đội trường TH Thị trấn An Lão. Trong
buổi phát thanh này, chúng tôi xin gửi tới các bạn lời chúc sức khỏe, vui vẻ,
chúc các bạn có nhiều năng lượng để học tập thật tốt. Sau
đây xin mời các bạn cùng lắng nghe.
Trong bản tin phát
thanh măng non hôm nay chúng em xin phép tuyên truyền đến toàn thể các bạn học
sinh trường Tiểu học Thị trấn An Lão bản tin tuyên truyền về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: 56 ngày đêm
chấn động địa cầu.
Ngày 13/3/1954 cách
đây 70 năm về trước, Quân đội ta nổ phát súng đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm
quân địch, mở màn 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954 trở thành ngày mở màn cho một chiến dịch lịch
sử, trước đó, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những quyết
sách đúng trong việc thay đổi phương châm tác chiến, góp phần đưa Chiến dịch
đến thắng lợi, để lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội ta
tung bay trên nóc hầm tướng De Castries vào ngày 7/5/1954.
Nhận thức rõ âm
mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định
mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến "Đánh nhanh
thắng nhanh". Tuy nhiên, đánh giá tương quan lực lượng của hai bên cho
trận quyết chiến chiến lược này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra quyết định khó
khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình: Dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển
phương án từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến
chắc".
Quyết định thay đổi
phương châm tác chiến dẫn đến việc kéo pháo ra là một thử thách không nhỏ với
các cán bộ, chiến sĩ pháo binh.Quyết định đó đã gây xáo trộn lớn về tư tưởng
bởi bao nhiêu mồ hôi và xương máu của hàng ngàn con người đã đổ xuống trên
đường kéo pháo, bao nhiêu gian khổ đã vượt qua... giờ lại phải kéo pháo ra.
Trong Chiến dịch
Điện Biên Phủ, hàng vạn dân công đã tham gia tải thương, gùi lương thực, thực
phẩm, vũ khí, trang bị vào phục vụ chiến trường; xẻ núi, bạt đèo cho bộ đội ta
kéo pháo vào trận địa. Chỉ tính riêng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra tiền
tuyến 9.000 tấn gạo, nhân dân tỉnh Lai Châu đóng góp cho Điện Biên Phủ 2.666
tấn gạo, 226 tấn thịt; 210 tấn rau xanh, huy động 16.972 dân công, tham gia
517.210 ngày công; 348 ngựa thồ, 58 thuyền mảng, đóng góp 25.070 cây gỗ để làm
đường.
Nhân dân Liên khu V
trong bốn năm (từ 1951-1954) đã đóng góp 1.322.600 tấn thóc và số tiền tương
đương 1.500.000 tấn. Nhân dân cả nước đóng góp 25.056 tấn gạo, góp 26 vạn người
đi dân công hỏa tuyến, riêng tuyến hậu cần Chiến dịch đã sử dụng lực lượng
khoảng 33.500 người phục vụ với hơn 30.000 ngày công.
Ý nghĩa to lớn của
Chiến dịch cũng thấm tới từng người: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất
của địch, đập tan kế hoạch Nava, đánh bại âm mưu kéo dài chiến tranh xâm lược
của đế quốc Pháp - Mỹ, mở ra một cục diện mới cho kháng chiến".
Ngày 11 tháng 3 năm
1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các chiến sĩ: "Các chú sắp ra trận.
Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn khó khăn nhưng rất vinh quang... Bác tin
chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn
gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới... Chúc các chú thắng to!".
Đúng 17 giờ ngày
13/3/1954, quân ta tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ta lần lượt tiêu diệt gọn cứ điểm này và cứ điểm Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản
Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt
sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân
bay Mường Thanh. Trong tháng 4/1954, quân ta đã đồng loạt tiến công các cứ
điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, quân địch
rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Vào hồi 17 giờ 30
phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay
trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị
bắt làm tù binh. 56 ngày đêm
chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng
Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu". Toàn bộ tập
đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "bất khả chiến bại" đã bị quân và dân ta
xóa sổ hoàn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã khẳng định "Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi
bằng vàng của lịch sử". Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp
định Genève về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và
điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
70 năm đã trôi qua,
Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam vì ý
nghĩa to lớn và tầm vóc vĩ đại của nó. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng
định: "Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa
cầu" có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm thời đại sâu sắc, là chiến thắng
của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn
kết của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể
hiện sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hướng tới Kỷ niệm
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng em xin hứa sẽ nêu cao tinh thần học
tập, đoàn kết tập thể, phấn đấu học tập và rèn luyện trở thành đội viên tốt,
đoàn viên tốt, cháu Bác Hồ Kính yêu.
Bản tin măng non
đến đây là hết, kính chúc các thầy cô giáo và các bạn 1 tuần học tập đạt hiệu
quả cao.